Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng

Bài 1: Gỡ “nút thắt” để trở thành động lực phát triển vùng, cả nước

- Thứ Hai, 15/04/2024, 07:19 - Chia sẻ

Những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng ghi dấu ấn sự vào cuộc rất tích cực của HĐND thành phố với tinh thần quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả công việc. Nhất là trong ban hành các chính sách thiết thực, khả thi tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng và phát triển thành phố; tạo tiền đề quan trọng để Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Đoàn giám sát HĐND thành phố Hải Phòng khảo sát tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên Ảnh T. Lâm
Đoàn giám sát HĐND thành phố Hải Phòng khảo sát tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Ảnh: T. Lâm

Tiền đề quan trọng bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Các cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua đã tạo tiền đề quan trọng để thành phố Hải Phòng phát triển kinh tế bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước, lan tỏa cả vùng miền.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND, Thường trực HĐND thành phố luôn đồng hành với UBND thành phố, chính quyền địa phương các cấp với tinh thần đổi mới, quyết liệt, hoạt động ngày càng hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.  Sau 5 năm liên tiếp thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, từ năm 2021 đến nay, HĐND thành phố đã thông qua chủ đề năm về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới - Thực hiện chuyển đổi số”.

Với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, mặc dù chịu tác động lớn từ tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội thành phố vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Thành phố nhiều năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, ngay cả trong những năm chịu sự ảnh hưởng khó khăn của đại dịch Covid -19. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng của thành phố Cảng biển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm…

Chính sách thiết thực, khả thi tháo gỡ những “nút thắt”

Những kết quả nêu trên là minh chứng thuyết phục cho nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền thành phố; trong đó, có sự vào cuộc rất tích cực của HĐND, Thường trực HĐND thành phố với tinh thần quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Nhất là trong ban hành các chính sách thiết thực, khả thi tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng và phát triển thành phố. Các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 35/2021/QH15 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần rất tích cực trong xây dựng, phát triển thành phố.

Theo đó, chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo chủ động cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố đã thông qua Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, ngày 2.12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế...

Để các nghị quyết của HĐND thành phố ban hành phù hợp, khả thi, sớm phát huy hiệu quả, ngay từ công tác chuẩn bị ban hành đã được Thường trực HĐND thành phố chủ động từ sớm từ xa, đồng hành, phối hợp hiệu quả cùng UBND thành phố trong quá trình thực hiện. Với tinh thần nâng cao vai trò trách nhiệm, cùng tháo gỡ “nút thắt” phục vụ sự phát triển chung, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động tổ chức các hội nghị tham vấn, lấy ý kiến tham gia, tổ chức TXCT rộng rãi hoặc theo chuyên đề phù hợp. Qua đó, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý của cử tri và Nhân dân vào nội dung các cơ chế, chính sách trình HĐND thành phố thông qua. 

Cùng với ban hành 2 nghị quyết về xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, HĐND thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách thực hiện các chính sách an sinh xã hội thuộc thẩm quyền, duy trì mức chi cao trong các địa phương của cả nước như: tặng quà các gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo các dịp lễ, tết với kinh phí 580 tỷ đồng/năm (cao nhất cả nước); kịp thời ban hành chính sách mới đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở với kinh phí 455 tỷ đồng/năm; chính sách hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế với tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 315,8 tỷ đồng… Việc ban hành các cơ chế đặc thù có tính vượt trội thực hiện chính sách an sinh xã hội được đánh giá là điểm sáng trong hoạt động của HĐND thành phố. Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri, Nhân dân thành phố.

Chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong thu hút đầu tư các dự án động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng bảo đảm sự phát triển của thành phố trong tương lai. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15, tiền lương, mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đã tăng ở mức khá (sau thành phố Hồ Chí Minh)…

HẢI AN
#